Kinh tế TP.HCM nửa đầu năm 2024: Bất động sản đã vượt qua cơn bĩ cực, nhiều ngành đang sáng lên

Nửa đầu năm 2024, kinh tế TP.HCM ghi nhận một số điểm nhấn: Ngành bất động sản đang ấm lên, nhiều ngành đang phục hồi và dự kiến tăng trưởng tốt giai đoạn 6 tháng cuối năm.

Kinh tế TP.HCM nửa đầu năm 2024: Bất động sản đã qua cơn bĩ cực

Ngành bất động sản TP.HCM nửa đầu năm 2024 đã tăng trưởng dương trở lại, từ mức tăng 2,51% của quý I đã tăng lên 2,94% trong quý II/2024. Năm 2023, tăng trưởng kinh doanh bất động sản tại TP.HCM âm 6,38%. Tuy nhiên, đến năm 2024, kinh doanh bất động sản đã tăng trưởng dương trở lại và quý sau đang cao hơn quý trước. Mức tăng trưởng này đang khả quan so với cùng kỳ năm 2023.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, bất động sản đang là ngành có mức tăng trưởng thấp nhất trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu của TP.HCM nhưng đã có dấu hiệu tích cực hơn trong từng quý.

Doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 123.887 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ.

"Thị trường bất động sản đã bước qua thời kỳ trầm lắng khi các chính sách có liên quan phát huy được hiệu quả, lãi suất cho vay giảm, khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp tăng lên", Cục Thống kê TP.HCM đánh giá.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng nhận định thị trường bất động sản TP.HCM đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và bước vào chu kỳ phục hồi, tăng trưởng trở lại. Thậm chí, bất động sản đang là lĩnh vực đi đầu trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI nhiều nhất.

HoREA nhận định thị trường bất động sản sẽ trở lại hoạt động bình thường và bước vào chu kỳ phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững kể từ nửa cuối năm 2024, tạo đà để phát triển mạnh mẽ hơn kể từ đầu năm 2025 trở đi.

Kinh tế TP.HCM nửa đầu năm 2024: Nhiều ngành ấm lên

Theo Cục Thống kê TP.HCM, cùng với bất động sản, bức tranh kinh tế TP.HCM nửa đầu năm 2024 cũng ghi nhận điểm sáng ở nhiều lĩnh vực như sản xuất công nghiệp IIP, bán lẻ hàng hoá và dịch vụ…

Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP nửa đầu năm tăng 5,6% và là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây, bao gồm ngành khai khoáng tăng 42,9%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,3%, sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%, cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,8%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 557.545 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 267.617 tỷ đồng, tăng 10,2%. Một số nhóm có tỷ trọng cao với mức tăng lần lượt như sau: Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 8,8%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 16,6%; nhóm hàng hóa khác tăng 6,8%; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 28,9%; nhóm hàng may mặc tăng 2,4%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 62.523 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành lưu trú tăng 43,3% và ngành dịch vụ ăn uống tăng 3,9%.

Dịch vụ lữ hành nửa đầu năm 2024 ước đạt 19.049 tỷ đồng, tăng 63,3% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 208.355 tỷ đồng, tăng 7,2%.

Bước qua tháng 6, tình hình thương mại và dịch vụ trên địa bàn diễn ra sôi nổi với nhiều chương trình được thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong mùa du lịch hè.

Phải nỗ lực vào 6 tháng cuối năm

6 tháng đầu năm, GRDP TP.HCM tăng trưởng 6,46% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của Cục Thống kê TP.HCM, kinh tế TP.HCM ghi nhận những dấu hiệu hồi phục tích cực.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu 6 tháng cuối năm phải tập trung mọi nỗ lực, tìm mọi giải pháp thúc đẩy cho được tăng trưởng. Mục tiêu là quý III phải tăng 7% trở lên, cố gắng đạt 8% ở quý IV, trong đó, phải tập trung mạnh mẽ cho các giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công.

Ông yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan hệ thống lại các đầu việc cần tháo gỡ. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị cần rà soát, xem xét các vấn đề liên quan để sẵn sàng triển khai khi các luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/8 không bị động cho người dân và doanh nghiệp.

Song song đó là kích cầu tiêu dùng, thương mại, dịch vụ. Người đứng đầu chính quyền thành phố lưu ý trong phát triển du lịch, phải tính đến việc hoàn thiện dần các chuỗi sự kiện thương hiệu của thành phố, định hình theo tháng để kích cầu du lịch, biến TP.HCM là điểm đến và giữ chân du khách.

"Chúng ta không đo bằng số lượng khách đến TP.HCM mà phải đo bằng thời gian lưu trú, số tiền khách chi tiêu", ông Mãi nhấn mạnh.

call Hotline 0902783959 Chat FB zalo Chat Zalo